#4: Hong Kong, những gì đã qua

#4: Hong Kong, những gì đã qua

Một buổi sáng cuối tuần trời hâm hẩm như muốn mưa, ngồi trong quán cà phê nghe nhạc Trương Quốc Vinh qua cái tai nghe chống tiếng ồn. Trong một khoảnh khắc, thời gian như đứng lại, ta lọt vào một khoản hẫng không rõ là hiện tại hay quá khứ.

Hong Kong, cũng cho tôi một cảm giác như vậy.

Tôi trở lại Hong Kong vào vài ngày trước khi cơn bão ập tới. Gọi là trở lại, vì đây là lần thứ hai tôi đến Hong Kong, lần đầu tiên là cách đây 11 năm.

Nói về Hong Kong, tôi cũng như bao người cùng thế hệ 8x và 9x đời đầu, nghĩ về phim và nhạc Hong Kong. Đã có một thời, không phải là K-drama và K-pop, mà là Hồ Sơ Trinh Sát, là phim Kiếm Hiệp của Kim Dung, không phải Netflix hay Youtube, mà là thuê băng về xem phim và nghe nhạc trên băng cassette. Đó là hoài niệm, của những điều đã qua. Những điều đặc trưng cho một thế hệ, mà các thế hệ sau có lẽ sẽ không trải qua bởi họ lại có những gắn kết khác cho thời đại của họ. Chúng ta rồi sẽ kể về những gì đã qua đó cho những đứa con và đứa cháu, giống như cách cha mẹ chúng ta kể cho chúng ta nghe về những gì đã qua của thời bao cấp ta chưa từng sống.

Chúng ta rồi sẽ vẫn nhớ: Mình đi thuê băng về xem phim Hong Kong, cái đồ quay băng, cha mẹ con cái ngồi quây quần xem, và bàn tán. Hong Kong trong những băng phim đó là Cổ Thiên Lạc và Tuyên Huyên trẻ trung.

Hong Kong những ngày trước cơn bão, nóng nực và bức bách như cảm giác chực khóc. Bầu trời âm u, và nước vẫn giọt tong tong xuống mặt đường tôi đi qua từ những máy lạnh chằn chịt trên cao tầng các chung cư cũ. Cổ Thiên Lạc và Tuyên Huyên giờ đã cầm hộp cao dán nhức mỏi và sữa cho người già trên các biển quảng cáo trong ga tàu điện ngầm.

Khi nhớ về Hong Kong của lần ghé thăm gần nhất, đó là những điều tôi nhớ nhất.

11 năm về trước, Hong Kong là một trong những lần đầu tiên tôi được xuất ngoại. Lóng ngóng và bị choáng ngợp. Tôi không còn nhớ rõ về Hong Kong tôi đã ghé thăm lần đầu tiên, nhưng tôi bị bất ngờ bởi sự cũ kỹ của Hong Kong khi trở lại. Nhiều thành phố và nơi chốn tôi đi qua đã thay đổi, thường là theo hướng hiện đại hơn. Nhưng, Hong Kong cho tôi một cảm giác rất rõ ràng rằng một thành phố có thể già đi, có thể lão hoá, như con người vậy.

Lúc tôi ở Singapore, có bác tài xế Taxi bảo tôi rằng: Singapore là nơi không ngừng xây dựng. Lúc nào cũng có những dự án chung cư xây mới, để người dân chuyển vào, rồi họ sẽ đập và xây dựng lại các chung cư đã cũ.

Hong Kong với mật độ dân số quá cao, nên không còn đủ đất để xây những khu mới, để di dời và phá bỏ những khu cũ. Trong lúc ngồi xe buýt đi qua những khu nhà cũ, tôi đã đọc được như vậy trên Quora, trong lúc lên mạng để tìm hiểu vì sao Hong Kong lại cũ kỹ tới vậy. Hong Kong có những căn chung cư 12m2, trong khi chỗ đậu cho 1 chiếc xe hơi là 13m2.

Hong Kong dễ khiến người ta buồn, khi nghĩ đến cuộc sống của một người nghèo có thể khó khăn đến mức nào ở đây. Làm tôi nhớ đến luận đề về nỗi nan giải của người nghèo sống giữa khu người giàu, mua một ổ bánh mì cũng mắc mỏ. Nhưng anh ta vẫn ở đó vì tin vào cơ hội sinh nhai bằng việc tồn tại song song bên cạnh người giàu.

Ký ức của chúng ta về HongKong là những cuộc vận động chính trị, là chiếc dù vàng, là SARs, là 2003 Trương Quốc Vinh đã gieo mình tự vẫn, là phần lớn các ngôi sao TVB của chúng ta đã hết thời. Thời vàng kim đã qua.

Trong các giấc trong ngày của chuyến đi, tôi thích những bữa ăn sáng ở Hong Kong. Khi đã dành tâm sức lựa chọn địa điểm và ăn uống cho các buổi khác trong ngày, ta lại thường đơn giản và vì vậy, ngẫu hứng hơn trong việc chọn nơi ăn sáng. Có thể là nơi nào đó gần khách sạn, con hẻm sau chợ trên đường ra bến tàu, hay ngang qua một tiệm nào đó bất kỳ vì không cưỡng được mùi hương.

Chỗ tôi ăn sáng ở Hong Kong dọn muỗng nĩa lên cùng những cốc nước trong ly nhựa trong. Không phải để uống, mà để tráng muỗng nĩa, dù có không ít khách phương xa đến vì không biết mà uống nhầm. Đọc thêm thì nghe nói, quán ăn nào ở Hong Kong mà bạn phải tự tráng muỗng nĩa nghĩa là quán rất “local”. Người phục vụ thường là các cô lớn tuổi, thực khách trong quán cũng chủ yếu là người lớn tuổi, họ dễ dàng ngồi chung bàn với người khác, dễ bắt chuyện như thể đã quen biết nhau từ lâu.

Không khí và bài trí của quán thật quen thuộc, vì nó giống các thước phim Hong Kong tôi đã xem. Sự quen thuộc đôi khi khiến ta cảm thấy như về nhà, về thời thơ ấu ở một đất nước ta chưa từng sinh ra. Quán phục vụ mì bò, hoành thánh bánh bao, nhưng có cả toast, macaroni lõng bõng nước theo Hong Kong style. Và, ở đây mọi người uống trà sữa. Dấu vết của văn hoá Anh Quốc được pha với văn hoá Quảng Đông.

Dấu vết Anh Quốc còn ở đây, nhưng so với lần ghé thăm 11 năm trước, dù là vị khách xa lạ, tôi vẫn biết nó đang nhạt đi. 11 năm trước, tôi nhớ có nhiều người Hong Kong nói tiếng Anh hơn. Còn bây giờ, nhiều người nói tiếng Phổ Thông hơn. Nghe nói nhiều người lo tiếng Quảng mai một, viết chữ Trung giản thể phổ biến và tiện hơn chữ phồn thể của tiếng Quảng.

Hong Kong mang cái không khí day dứt của việc biến mất dần dần của những điều nó từng có.

Tôi cũng đi Disneyland, dù tôi đã 31 tuổi. 11 năm trước tôi cũng đi Disneyland, lúc đó tôi đã ước ao về sau mình tự kiếm được tiền để mua cái này cái kia mà không phải suy nghĩ nhiều. Giờ tôi quay lại để thực hiện ước ao của 11 năm trước. Thật may là, tôi vẫn thích Disneyland, thích cổ tích và cái không khí thần tiên lạc quan mà nơi này cố gắng tôn tạo. Dù toà lâu đài trong Disneyland, cũng giống như nhiều thứ khác ở Hong Kong, nhìn cũng đã cũ.

Dù vậy, Hong Kong vẫn có cái đẹp và nét quyến rũ, dù tôi khó có thể khách quan mà nó, thế nào chăng nữa Hong Kong vẫn là một phần tiềm thức quá khứ của những người của thế hệ tôi và cha mẹ tôi về sự phồn hoa đô hội.

Đêm về, thì đi dạo phố, nhìn đèn neon ở Hong Kong, uống bia ở Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong), ăn mì đêm ở Thâm Thuỷ Bộ (Sham Shui Po) - khu phố lao động nghèo.

Ta thấy thương Hong Kong dù (hay là vì) những gì đã qua đi.

Trong ngày cuối cùng ở Hong Kong, trời mưa rất to, vừa vặn để ngồi ăn một tô mì nóng trong khu chợ cũ. Đi bảo tàng xem nghệ thuật đương đại, và không hiểu gì cả. Rồi đứng nhìn mặt phía sau của cảng Victoria, ngổn ngang đó một công trình xây dựng nhìn lọt thỏm trong một Hong Kong đang già đi.

Trở về từ Hong Kong, tôi thấy mình trong tâm trạng để nghe lại Cantopop, xem lại Hồ Sơ Trinh Sát, và tìm đọc một cuốn hồi ký về Hong Kong mà tác giả gọi là thành phố với những thứ lần lượt tan biến.

Tôi có thể hiểu vì sao hoài niệm thường là chủ đề của văn học, âm nhạc và nghệ thuật. Vì người ta thật dễ đồng cảm với nỗi buồn, và khi nhìn về quá khứ ta khó tránh khỏi cái man mác buồn.

Tôi thường tự hỏi: Sao mà buồn khi nhìn về quá khứ như vậy?

Vì đó là những gì đã qua.

Vừa mới hôm qua tôi lật cuốn Principles của Ray Dalio ra đúng trang nói về quy luật của tiến hoá tự nhiên, rằng như những cỗ máy được tạo dựng, vận hành rồi hao mòn, xong hỏng hóc, phải rã ra, rồi tái chế thành những cỗ máy mới. Dù tự nhiên, nhưng ta vẫn buồn vì sự gắn kết với cỗ máy cũ.

Cuộc sống và năm tháng dạy ta bài học khó về việc chấp nhận quy luật ấy.


🍰
Viết điều gì tiếp theo: Nếu bạn yêu thích các nội dung, bạn có thể mời mình một ly cà phê. Để cuối tuần mình sẽ ra quán gọi một ly cà phê và viết về mối quan tâm chung nào đó. Bạn cũng hãy để lại vài dòng về chủ đề tiếp theo bạn muốn mình viết nhé!

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to adangnotes.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.