#6: Trăn trở vì sao dùng được Notion, Obsidian, và Hành trình đi tìm "bộ não" (thứ hai)

#6: Trăn trở vì sao dùng được Notion, Obsidian, và Hành trình đi tìm "bộ não" (thứ hai)

Trước đây, mình đã dùng thử cả: ObsidianNotion, rồi đều thấy không hợp, thậm chí cái cảm giác không hợp làm mình cứ băn khoăn có phải do mình không biết sử dụng, nên không phát huy được hết công dụng.

Thế là, mình quay về dùng các công cụ ghi chép hết sức đơn giản là Apple Notes (sẵn có trong máy), Sổ tay ghi chép (cho các suy nghĩ chợt đến chợt đi), Notion (cho mục đích làm việc nhóm là chính).

Nhưng vẫn có một phần lớn bị thiếu sót trong “vũ trụ công cụ” của mình, đó là một nền tảng để tập hợp và lưu trữ tập trung các ghi chép và điểm kiến thức nằm rải rác trên 3 công cụ trên.

Gần đây, mình dùng thử Logseq và nghĩ đây có thể là mảnh ghép còn sót.

💬
Logseq là ứng dụngPMK: Personal knowledge management (Quản lý kiến thức cá nhân), mã nguồn mở nên bạn có thể tải và chạy hoàn toàn miễn phí.

PMK: “Second Brain”

Nếu đây là lần đầu bạn nghe về cụm từ này, thì đại khái, đó là ý tưởng về việc tạo lên một “Bộ não thứ hai” nằm trên không gian số, đóng vai trò như một kho lưu trữ toàn bộ những kiến thức và hiểu biết quý báu của mỗi người.

Mình nghe như vậy thì RẤT HAM.

Lý do mình thích mê concept này là vì: Mình cực kỳ hay quên trước quên sau, và mình thường thấy tiếc mỗi khi lướt qua một thứ kiến thức hay ho, mà dù có highlight, ghi chú, lưu lại thì kiểu gì nó cũng bị chiếm xuống đáy của folder máy tính, và mình cũng sẽ quên.

4 phong cách ghi chép

Mình đọc self-help, rồi xem Youtube, tìm hiểu trên mạng thì biết có 4 phong cách ghi chép khác nhau (Forte Labs):

  1. Kiến trúc sư: Luôn muốn “kiến trúc” hệ thống của mình một cách rõ ràng và chặc chẽ, gồm thứ bậc thư mục, phân loại tags và hệ thống “index” nội dung tỉ mỉ. Ứng dụng được giới thiệu phù hợp với nhóm này là Notion
  2. Người làm vườn: Là người “thu thập” và “cắt tỉa” kiến thức như là đang làm vườn. Họ không biết hình dạng của toàn bộ hệ thống khi hoàn thành sẽ như thế nào. Nên họ cần một apps tự do hơn về mặt “kiến trúc”, cho phép họ có thể liên kết các nội dung một cách linh động và ngẫu hứng hơn. Ứng dụng được cho là phù hợp với nhóm này là Roam, và Obsidian
  3. Thủ thư: Là người “phân loại” và tích luỹ kiến thức, họ quyết định cho gì vào, bỏ gì ra một cách có mục tiêu hơn nhóm “Làm Vườn”, ưa chuộng phân loại và tổ chức, nhưng ít nặng về hệ thống như nhóm “Kiến Trúc”. Nhóm này hợp với những app như Evernote
  4. Học sinh: Nhóm này không cần gì quá phức tạp, ưa chuộng việc có thể lưu giữ thông tin nhanh chóng và đơn giản. Nhóm này hợp với những app có sẵn như Apple Notes hoặc Google Keep

Lý do của việc chia những người ghi chép thành 4 nhóm, là để từ đó giúp chúng ta dựa vào nhóm phong cách của mình, mà chọn công cụ phù hợp. Nhưng, mình không thấy bản thân thuộc về nhóm nào cả.

Mình thấy mình thuộc về tất cả các nhóm. Thật ra trong mỗi hoàn cảnh, mình có những phong cách khác nhau.

Điểm “đau” của mình với: Apple Notes, Obsidian, Notion

  1. Obsidian vs. Notion: Bản thân tôi cảm thấy khoảng cách về tính năng của ObsidianNotion là không lớn, cả hai đều tạo nên được một “vũ trụ” của riêng cho mình, cả hai đều thiên biến vạn hoá. Chính sự đa dạng và thiên biến vạn hoá đó khiến tôi bị rớt vào cái “bẫy” của việc “Tổ chức thái quá” (Over-organizing), và tốn rất nhiều giờ để thử hết templates này đến plug-ins kia. Chính sự tuỳ biến, tính năng đa dạng đã khiến việc sử dụng mất đi tính đơn giản và vì vậy không hiệu quả với mình
  2. Apple Notes: Vẫn là app ghi chép chính của mình đến giờ, vì rất đơn giản, không thể tuỳ chỉnh quá nhiều nên mình bằng lòng với tính năng có sẵn. Với các tính năng vừa được nâng cấp, như hệ thống tags, links với các page, hỗ trợ tìm kiếm cả chữ viết tay và chữ trong hình ảnh, Apple Note cho phép mình “nhồi nhét” mà không thấy tội lỗi. Mình cho vào đây đủ mọi thông tin và đủ dạng thông tin nào vào (chữ viết tay, hình scan tài liệu hoặc từ sổ ghi chép tay, PDF, links). Mình áp dụng hệ thống PARA thấy hiệu quả và đơn giản vừa đủ.

Tuy vậy, Apple Notes thiếu một vài yếu tố mình cần:

  • Hỗ trợ Markdown: Đại khái là ngôn ngữ để “format” văn bản bằng ký tự. Ví dụ, đoạn văn bản bạn đọc bên trên được viết trong MarkDown như sau. Bằng việc chuyển sang MarkDown mình có thể viết nhanh hơn (do ít phải chỉnh tới lui phần format), và công cụ này cũng giúp mình dùng kết hợp một số công cụ lập trình cho việc viết (Git, IDE, v.v.)
## Điểm “đau” của: **Apple Notes**, **Obsidian**, **Notion**

1. **Roam**: Không có gì để nói quá nhiều, 
tôi từ bỏ Roam rất nhanh, vì nó quá khó sử dụng. 
Phần UI cũng không thân thiện và bắt mắt. 
Dù rất nhiều người trong giới nghiên cứu rất ưa chuộng.
  • Không hỗ trợ tốt cho các Code block, đây là điểm trừ lớn đối với các bạn có lập trình và viết code
  • Mãi cho đến gần đây, mới có tính nay links giữa các note. Điều đó cũng nói lên việc là cho dù được cập nhận tính năng mới thường xuyên Apple Notes vẫn không thể phát triển tính năng nhanh và có tính mở như Obsidian hay Notion

Logseq: Hai ý tưởng quan trọng

Logseq giống với Obsidian về nhiều thứ, vì vậy nhiều người gọi Logseq là phiên bản gọn nhẹ và dễ dùng hơn của Obsidian. Đối với mình, có 2 ý tưởng nền tảng của Logseq, khiến nó rất khác Obsidian và cũng là điều khiến mình tin Logseq sẽ phù hợp với mình trong khi Obsidian đã không:

1 - Building Outline, not Taking-note

💬
Đối với mình, Logseq không phải là note-taking app, mà là công cụ lập Dàn ý (Outline).

Các Note trong Logseq thể hiện ở dạng Outline (Dàn ý) chứ không phải văn bản gồm các đoạn văn, mỗi ý là một gạch đầu dòng, với các ý nhỏ hơn bên dưới để bổ trợ ý trên.

Bản thân mình thường suy nghĩ theo hướng Outline, bản thân mỗi ý / thông tin là một cụm từ không nhất thiết phải ghi đầy đủ thành câu văn hay đoạn văn, đặt trong một tương quan logic với nhau. Trình bày thông tin dưới dạng này, giúp mình dễ hơn trong việc hình dung và hệ thống các ý tưởng.

Logseq cũng có plug-in để chuyển văn bản Outline thành tree-map như bên dưới.

Trước khi dùng Logseq, mình đã sử dụng các app khác như Outlinely hoặc MindMeister cho các hệ thống kiến thức theo Outline, nên mình nhanh chóng quen và thấy hợp với Logseq.

2 - Block-base: 1 block = 1 điểm thông tin

💬
Đơn vị thông tin “atomic” (đơn vị nhỏ nhất) trong Logseq là Block, với mỗi block là một gạch đầu dòng ở các thứ bậc khác nhau trong Outline đã đề cập ở trên.

Vì vậy, cho phép chúng ta quản lý thông tin ở một đơn vị “sâu” hơn so với Note. Điều này chưa có ở cả Apple NotesObsidian (ở thời điểm mình dùng thử).

Riêng Notion cũng quản lý theo đơn vị Block, cho phép tìm kiếm và trích dẫn theo từng Block. Nhưng riêng tính năng về block, thì Logseq phải nói là triệt để hơn rất nhiều:

  • Bạn có thể link các Block ở hai note khác nhau
  • Embed các Block sẵn có lên một note mới, vì vậy đẩy mạnh khả năng “tái sử dụng” của các Block

Block trong Logseq giống như các khối Lego có thể sắp xếp và tuỳ chỉnh trên nhiều dàn ý, và chính điều này cho phép một trải nghiệm tích cóp và lắp ráp các điểm thông tin một cách thú vị và hiệu

Các tính năng xoay quanh block

🔗
Bạn có thể thử giao diện demo: https://demo.logseq.com/#/

Trình chiếu theo dàn ý

Mỗi Outline trong Logseq có thể trình chiếu theo một định dáng rất tập trung và minimal.

Whiteboards

Đây là tính năng có sẵn không cần cài thêm plug-in nào. Logseq cho phép bạn kết nối các Block với file media, links, biểu đồ, hình vẽ và chữ viết tay.

Flashcards

Chỉ cần kèm Hashtag #card trong một Block, bạn sẽ biến Block đó thành Flashcards. Một tính năng thú vị nếu bạn thích cách học và ghi nhớ bằng Flashcard.

Graphviews

Cuối cùng là, Graphviews - tương tự như Obsidian. Nhưng nhờ concept về Block và quá trình sử dụng (embed và refer to Block) tự nhiên và hiệu quả. Đa số Note mới đều tự nằm trong một liên kết với các Note khác qua các Block dùng chung.

Khi việc ghi chép là một luồng dữ liệu

Vì mình làm về dữ liệu, cách mình nhìn về việc học hỏi và thu thập thông in cũng giống như một luồng dữ liệu: Được ghi nhận-Trích suất (Capture & Extract), Xử lý-Lưu trữ (Transform & Load), và Đăng tải (Publish).

Mình sử dụng nhiều apps khác nhau cho những mục đích và hoàn cảnh khác nhau. Quay lại câu chuyện về 4 phong cách ghi chép:

  • Mình là Học Sinh khi tiếp xúc với thông tin và kiến thức
  • Mình là Người Làm Vườn kiêm Thủ thư khi chuyển sang giai đoạn hệ thống lại các kiến thức
  • Cuối cùng, lại là Kiến Trúc Sư khi chuyển hoá các thông tin và trao đổi với người khác

Trong luồng xử lý thông tin của mình, có 4 bước:

1 - Capture & Extract từ (Công cụ ghi chép)

Thông tin được ghi chép từ nhiều nguồn, bằng công cụ nào tiện lợi nhất trong các hoàn cảnh khác nhau:

  • Sổ ghi chép tay: Việc viết và vẽ ra giấy cho mình cảm giác tập trung cao độ, và tạo một cảm giác tự do và mượt mà hơn trong luồng suy nghĩ
  • Apple Notes: Để lưu tất cả hình ảnh, thông tin, screenshot, và số hoá các ghi chép tay bằng scan. Công cụ tìm kiếm chữ viết tay và chữ trên screenshot của Apple Notes cũng rất ấn tượng
  • Notion: Một nguồn quan trọng khác là các highlights và notes trong quá trình đọc. Kindle, Instapaper (web article) và Medium tự động gom về Readwise và connect với Notion. Mình dùng Notion cho mục đích này vì hệ thống database, views và tính năng chia sẻ của ứng dụng này rất phù hợp cho việc lưu các highlights

2 - Transform & Load vào Công cụ quản lý kiến thức (PKM)

💬
Như trong luồng dữ liệu, Transform là bước để kết nối, thu gom và xử lý các dữ liệu thô. Mục tiêu là để tinh gọn khối lượng, và chuẩn bị các dữ liệu trong một trạng thái “atomic” và “ready-to-use”. Chính quá trình chuyển đổi và tinh gọn này giúp tăng giá trị của dữ liệu.

Đối với mình kiến thức cũng vậy, để hạn chế việc phải “bơi lội” trong một “hồ” kiến thức, sẽ cần bước chọn lọc và đưa kiên thức vào PKM, từ các ghi chép lặt vặt ở (1), mình đưa vào Outline để hệ thống kiến thức, và đưa vào Logseq.

3 - Publish với Công cụ chia sẻ

💬
Cuối cùng, giống như các dữ liệu được làm sách, tích luỹ trong kho dữ liệu là để tạo lập báo cáo, tìm ra insights, và bằng các công cụ như Tableau, PowerBI để chia sẻ nội dung đến nhiều người quan tâm.

Khi mình cần viết hay làm một dự án, mình sẽ tìm trong kho PKM của mình các thành tố (Block) kết hợp nó thành một dàn ý mới. Rồi từ đó, viết thành đoạn văn và một bài hoàn chỉnh trên một số ứng dụng viết lách khác:

  • Mình dùng Ulysses ứng dụng viết bằng MarkDown, hỗ trợ phần lớn các tính năng mình cần: Gom và hệ thống các bài viết thành chapter, book/project, đếm số chữ, xuất thành PDF/DOCS định dạng đẹp đẽ, hoặc đăng tải thẳng lên Ghost (website cá nhân)
  • Notion được dùng như một không gian làm việc chung, và chia sẻ các notes ngắn hoặc bảng nháp bằng cách Publish thành web. Với giao diện đẹp, hỗ trợ tương tác và chia sẻ, Notion vẫn chiếm một phần quan trọng trong workflow của mình

Kết

Dĩ nhiên, quy trình này có thể phức tạp hơn hoặc đơn giản đi. Một vài cấu phần được thêm vào và bớt đi. Hoặc có thể Logseq chưa phải là mảnh ghép khít cho bức tranh này của mình. Nhưng hãy chờ xem nhé. Mình sẽ viết các bài cập nhật khi có gì hay hay mới trong hành trình đi tìm “bộ não thứ hai”.


🍰
Viết điều gì tiếp theo: Nếu bạn yêu thích các nội dung, bạn có thể mời mình một ly cà phê. Để cuối tuần mình sẽ ra quán gọi một ly cà phê và viết về mối quan tâm chung nào đó. Bạn cũng hãy để lại vài dòng về chủ đề tiếp theo bạn muốn mình viết nhé!

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to adangnotes.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.